Thời tiết giao mùa khó chịu, không những khiến tâm trạng “lên xuống thất thường” mà còn kèm theo các cơn đau nhức đầu, trong đó có đau đầu về chiều.
Đau đầu về chiều cơ bản giống như bất kỳ cơn đau đầu khác, đó là cơn đau ở một phần hoặc toàn bộ đầu hay một vị trí cụ thể. Điểm khác biệt duy nhất là thời gian xảy ra cơn đau đầu – vào buổi chiều.
Thường thì nguyên nhân gây đau đầu về chiều không đáng lo ngại nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, cơn đau nhức đầu dữ dội về chiều hoặc kéo dài dai dẳng có thể cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng hơn.
Đau đầu về chiều là bệnh gì?
Có hai loại đau đầu: đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát. Đau đầu nguyên phát là loại đau đầu mà cơn đau đầu chính là bệnh chứ không phải là triệu chứng của tình trạng bệnh khác. Bao gồm đau đầu từng cơn, đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng.
Đau đầu thứ phát liên quan đến tình trạng bệnh lý như chấn thương đầu, huyết áp cao, nhiễm trùng, chấn thương và khối u. Tác dụng phụ của việc cai thuốc hoặc cai chất kích thích cũng có thể gây đau đầu.
Có hai loại đau đầu: đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát (Ảnh: ST)
Đau đầu vào buổi chiều có thể là đau đầu nguyên phát hoặc thứ phát. Theo Healthline, dưới đây là những nguyên nhân gây đau đầu về chiều mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng các thông tin dưới đây không thể thay thế cho chẩn đoán từ bác sĩ.
- Mất nước
Nhiều người gặp hiện tượng đau đầu về chiều do mất nước. Mất nước xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho các hoạt động bình thường, có thể gặp khi ngồi họp lâu, người không nghỉ trưa, người uống nhiều cà phê mà không uống nước.
Các triệu chứng mất nước ngoài đau đầu có thể kể đến như khô miệng, khô môi, khô họng; nước tiểu sẫm màu; tiểu ít hoặc không tiểu; chóng mặt; cáu kỉnh.
- Căng cơ
Đau đầu do căng thẳng là loại đau đầu phổ biến nhất do các cơ ở cổ, vai hoặc hàm bị căng, dẫn tới các cơn đau lan lên tới đầu.
Đau đầu do căng thẳng có xu hướng xuất hiện từ từ và trở nên nghiêm trọng hơn sau nhiều giờ. Một người có thể gặp cơn đau đầu loại này sau khi dành nhiều giờ lái xe, làm việc với máy tính hoặc ngồi/nằm ở các tư thế không thoải mái.
- Đau nửa đầu
Đau nửa đầu là một đau đầu do những thay đổi trong đường dẫn thần kinh, chất dẫn truyền thần kinh và các hóa chất não khác. Trong một số trường hợp người bị đau nửa đầu có thể gặp phải tình trạng rối loạn thị giác, nhạy cảm với ánh sáng và cảm giác bất thường trong cơ thể khi bị đau nửa đầu kèm theo buồn nôn và nôn mửa.
Nếu bị đau nửa đầu vào cùng một thời điểm mỗi ngày, hãy ghi lại các triệu chứng và hoạt động để xác định tác nhân kích hoạt cơn đau đầu là gì. Đó có thể là mùi, hình ảnh, âm thanh, thực phẩm,… mà bạn tiếp xúc.
- Caffein
Caffein cũng có thể là một nguyên nhân gây đau đầu về chiều ở một số người, nhất là người nhạy cảm với caffein. Hơn nữa, caffein góp phần gây mất nước, làm tăng nguy cơ trầm trọng thêm chứng đau đầu liên quan tới mất nước.
Người thường xuyên tiêu thụ caffein cũng có thể bị đau đầu nếu cắt giảm lượng caffein tiêu thụ (cai caffein) vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Nhưng dạng đau đầu về chiều sẽ phổ biến hơn do lúc này cơ thể nhận thấy rằng nó không được nhận được lượng caffein như mọi khi.
- Đói
Một số người có thể bị đau đầu do lượng đường trong máu giảm kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, run rẩy, chóng mặt hoặc thậm chí là đói tới mức ngất xỉu,
Người đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường có thể dễ bị đau đầu do đói hơn do thuốc điều bị bệnh có thể khiến lượng đường trong máu giảm mạnh giữa các bữa ăn.
- Rượu
Nếu uống rượu vào bữa trưa, bạn có thể gặp phải tình trạng đau đầu về chiều với cảm giác đau từng cơn khó chịu, nhất là ở phần trán.
Một số người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu sau khi bỏ rượu cũng sẽ gặp hiện tượng đau đầu trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau đó do cơ thể trải qua quá trình cai nghiện.
- Huyết áp cao
Huyết áp cao thường không gây đau đầu nhưng nếu chỉ số huyết áp tăng lên tới 180/120 milimet thủy ngân (mm Hg) hoặc cao hơn có thể gây ra cơn đau đầu và là trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp, nhất là phụ nữ đang mang thai.
Đau đầu do huyết áp cao có thể không có triệu chứng nào đặc biệt khác hoặc số ít bị nổi mụn, da ửng đó hay cảm thấy chóng mặt.
- Mỏi mắt
Sau một buổi sáng làm việc với máy tính, nếu mắt không được nghỉ ngơi kết hợp với sự mất cân bằng cơ ở mặt hoặc cổ có thể gây ra cơn đau đầu về chiều. Đau đầu do mỏi mắt không quá phổ biến với cảm giác đau ở phía trước đầu, cơn đau cũng trở nên nghiêm trọng hơn nếu mắt tiếp tục không được nghỉ ngơi.
Đau đầu do mỏi mắt không quá phổ biến với cảm giác đau ở phía trước đầu (Ảnh: ST)
- Trường hợp y tế khẩn cấp
Đau đầu do đột quỵ hoặc phình động mạch máu não có thể xuất hiện vào mọi thời điểm trong ngày bao gồm cả buổi chiều. Tuy không giống như các loại đau đầu khác như đau đầu do các trường hợp này có xu hướng không biến mất và tái phát đi tái phát lại. Các dấu hiệu cho thấy cơn đau đầu cảnh báo trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp bao gồm:
- Thay đổi thị lực hoặc đau mắt.
- Một cơn đau đầu dữ dội khác biệt đáng kể so với những cơn đau đầu trước đây mà bạn gặp phải.
- Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột và dữ dội, không có dấu hiệu thuyên giảm ngay kể khi massage, nghỉ ngơi hay uống nước ấm.
- Tâm trạng trở nên kích động, cáu kỉnh hơn.
- Suy giảm nhận thức, lơ mơ, lú lẫn hoặc mất ý thức.
- Có cảm giác như một tiếng nổ bất ngờ trong đầu.
- Đau đầu sau tai nạn hoặc bị đánh vào đầu.
- Cứng cổ, sốt cao, đau cơ.
- Cách đối phó với cơn đau đầu về chiều
Điều trị đau đầu về chiều phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra và loại bỏ tác nhân có thể kích hoạt cơn đau đầu là gì. Các phương pháp điều trị giảm nhẹ bằng thuốc cho chứng đau đầu về chiều bao gồm thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) như acetaminophen hoặc ibuprofen. Một số thay đổi đơn giản có thể giúp giảm nguy cơ bị đau đầu, bao gồm:
- Nghỉ giải lao xen kẽ mỗi giờ làm việc, đi lại vài phút nhẹ nhàng xung quanh chỗ ngồi ít nhất một lần mỗi giờ.
- Tránh ngồi làm việc ở tư thế khom lưng hoặc tư thế khiến cột sống, cổ, vai bị căng thẳng.
- Thường xuyên kéo giãn cơ ít nhất từ 5 – 10 phút sau mỗi vài giờ.
- Uống nhiều nước, ăn các bữa ăn lành mạnh, đủ chất bao gồm nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và tránh thực phẩm chế biến sẵn.
- Tránh các chất kích thích như rượu.
- Khám sức khỏe định kỳ.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu đang có các bệnh liên quan tới hệ thần kinh não và bệnh mạch máu.
- Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Khi có các triệu chứng đau đầu nguy hiểm chẳng hạn như: Huyết áp tăng vọt, đau đầu dữ dội không chịu đựng được, cơn đau đầu xuất hiện đột ngột không giống cơn đau đầu bình thường, đau đầu sau chấn thương,… cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Người bị đau đầu mãn tính nên nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng của mình nếu không rõ điều gì kích hoạt cơn đau đầu hoặc các thay đổi lối sống lành mạnh dường như không đem lại hiệu quả, cơn đau đầu ngày càng trầm trọng hơn theo thời gian, tần suất đau đầu tăng lên.
Nếu các triệu chứng đau đầu của bạn tiếp tục tăng lên kèm theo đau đớn hoặc khó chịu và kéo dài hơn 72 giờ, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế sớm.